Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Bức hoành phi độc đáo tại Bảo tàng Lâm Đồng


Với việc Lonely Planet xếp hạng Bảo tàng Lâm Đồng đứng thứ 15 trong 36 nơi nên đấy thực sự là một con số ấn tượng đối với Đà Lạt - Lâm Đồng. Vậy điều gì đã khiến cho bảo tàng có sức hút kỳ lạ đối với khách tham quan như vậy.



Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tàng khảo cứu địa phương có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày triển lãm, giáo dục khoa học các hiện vật liên quan đến địa phương. Vì vậy, nơi đây là địa điểm tập trung của hàng vạn hiện vật đủ các loại hình, làm nên sự phong phú đa dạng, thu hút được sự quan tâm của nhiều khách du lịch và các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên và toàn thể nhân dân.

Hiện vật của Bảo tàng Lâm Đồng đa dạng về loại hình chất liệu, chủ đề, tập trung làm nổi bật bản sắc văn hoá của mảnh đất Nam Tây Nguyên và về truyền thống đấu tranh kiên cường của nhân dân Lâm Đồng. Bên cạnh đó, bảo tàng là nơi tham quan tìm hiểu về thiên nhiên, con người, các dân tộc trên địa bàn tỉnh thông qua hiện vật trưng bày tại bảo tàng. Song song đó là mảng tư liệu Hán Nôm hết sức quý giá cũng thu hút nhiều sự quan tâm của du khách.

Hiện nay, trong nhiều bảo tàng, hiện vật, tài liệu được viết bằng chữ  Hán – Nôm như các đạo sắc phong, các biển gỗ, các cặp câu đối, các hoành phi, cùng nhiều tài liệu, sách Hán Nôm có giá trị khác cần được quan tâm nghiên cứu giải mã. Một trong số đó chúng tôi xin được giải mã một bức hoành phi độc đáo rất đẹp hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Về hoành phi là những biển gỗ có khắc các chữ Hán hoặc Nôm được treo ngang trên bàn thờ của tổ tiên hoặc bàn thờ của các di tích như đình, chùa, đền, miếu… Hoành phi được chạm khắc tỉ mỉ lại được sơn son thếp vàng, trang trí cầu kỳ, có bức hoành phi lại được mạ vàng làm tăng lên vẻ sang trọng quý phái. Thông thường hoành phi có nội dung viết bằng các chữ Hán viết to, bên phải viết một vài câu thơ, bên trái viết niên đại, người viết hoặc người tặng…Hoành phi có nhiều loại to nhỏ khác nhau, là hiện vật trang trí không thể thiếu trong thời phong kiến, hiện nay việc khôi phục và chơi hoành phi câu đối cũng được nhiều địa phương hưởng ứng. Hoành phi chỉ từ 2 chữ đến 5 chữ đại tự, kèm thêm hai dòng "lạc khoản" đề ngày tháng và tên người dâng cúng, thường khắc những lời, từ ngữ cầu chúc tổ tiên, hay nguyện cầu, mong ước hoặc giáo dục, nhắc nhở người đời sau tôn kính và nối tiếp truyền thống tốt đẹp của tiền nhân. Hoành phi thường là những chữ Hán như: Bức hoành phi tại Bảo tàng Lâm Đồng mà chúng tôi được tiếp cận là một bức hoành phi độc đáo, được chạm khắc tinh tế, tỉ mỉ bằng các hoạ tiết hoa văn hoa lá và hình dạng một cuốn thư. Hoành phi có chiều dài khoảng 1,2m, cao 60cm, được sơn son thếp vàng. Bên phải của bức hoành phi viết niên đại là năm Mậu Dần niên hiệu Bảo Đại do Nghị Viên Tiên Sinh viết. Bên trái bức hoành phi có ghi Hà Thành bát phẩm văn giai Gia sư Lê tiến tặng Tuế Trang tiếp nhận.

Nội dung của bức hoành phi được viết bằng ba chữ Hán với kiểu chữ Hán khải chân phương dễ đọc. Đó là chữ “Dụ ư nghĩa”. Dụ nghĩa là bảo rõ, ư là ở, nghĩa là lẽ phải… Cả ba chữ này có nghĩa là, chỉ bảo mọi người tất phải dùng đúng lý lẽ.

Tuy nội dung chỉ có vậy, nhưng về ý nghĩa tinh thần lại vô cùng quan trọng, người được tặng hoành phi này phải là người có đức độ và phải là người có ảnh hưởng đến nhiều người và được người tôn trọng tặng chữ. Chữ được tặng thể hiện cho người được tặng chữ, làm sao phải xứng đáng với ý nghĩa của chữ đó. Ví dụ như lĩnh vực giáo dục thì Khổng Tử được phong là Vạn thế sư biểu (người thầy mẫu mực muôn đời), lĩnh vực y học thì có chữ Y gia diệu thủ (thầy thuốc giỏi xem bệnh)…

Mặc dù có nhiều chữ để thay cho lời người muốn gửi gắm qua bức hoành phi, song để hiểu hết ý nghĩa của từng chữ thì lại phải hiểu được thân thế sự nghiệp người được sở hữu bức hoành phi đó. Song qua ba chữ Hán trên bức hoành phi này chúng ta cũng có thể đoán được phần nào về thân thế của người được tặng chữ. Ý nghĩa của ba chữ Hán trên biểu thị cho một vị quan lại có ảnh hưởng với dân và thường dùng nghĩa lý để bảo ban nhân dân, nên tiếng tăm của ông vang khắp một vùng.

Qua bức hoành phi trên, có thể thấy rằng ý nghĩa của mỗi hiện vật, mỗi chữ Hán đều có những lớp văn hoá độc đáo, mà đi vào nghiên cứu nó thật sự cần lắm một niềm đam mê để khám phá những lớp văn hoá ẩn mình mà nó đang nắm giữ.

Đến với Bảo tàng Lâm Đồng, du khách như được hoà mình vào với kho hiện vật đồ sộ, được trưng bày khoa học để du khách có thể tự do nghiên cứu tìm hiểu những thông tin quý báu thông qua những di vật hiện vật đang trưng bày tại đây. Không chỉ có những hiện vật đơn thân mang lại nhiều cảm xúc cho du khách, mà trong số hàng ngàn hiện vật đang trưng bày sẽ có rất rất nhiều các hiện vật khác cũng tự thân nó làm hài lòng du khách ghé thăm.
Nguyễn Huy Khuyến /  Báo Lâm Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét